Nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp (THA) và bệnh tim mạch, từ năm 2005 Hội THA quốc tế kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định lấy ngày 17 tháng 5 hàng năm là ngày Tăng huyết áp thế giới.

Theo Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị THA, tức là cứ bốn người trưởng thành thì có một người mắc bệnh THA. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc THA ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị. THA là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “Kẻ giết người thầm lặng”là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.

Để tăng cường phòng, chống tăng huyết áp nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung, cùng với triển khai chương trình mục tiêu y tế, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025, trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để kiểm soát tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Bộ Y tế đang tăng cường phối hợp để xây dựng và thực thi các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, giảm tiêu thụ muối ở cộng đồng, bảo đảm dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho người dân. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính và tiến triển một cách âm thầm, nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển nặng, gây biến chứng tim mạch trầm trọng và việc điều trị sẽ rất tốn kém, trong khi việc phát hiện sớm bằng đo huyết áp rất đơn giản, ít tốn kém.

Phòng, chống tăng huyết áp không phải của riêng ngành y tế vì nó liên quan đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi trách nhiệm của nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng có vai trò thiết yếu.

Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm 2024 với chủ đề: “Đo huyết áp đúng - kiểm soát huyết áp tốt - sống khỏe”

Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương). Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Phần lớn THA ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (THA nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (THA thứ phát). Chẩn đoán xác định THA dựa vào trị số huyết áp đo được sau khi đo đúng quy trình. Ngưỡng chẩn đoán THA thay đổi tùy theo từng cách đo huyết áp:

 

Huyết áp tâm thu

 

Huyết áp tâm trương

1. Cán bộ y tế đo đúng quy trình

≥ 140 mmHg

và/hoặc

≥ 90 mmHg

2. Đo bằng máy đo HA tự động

≥ 130 mmHg

 

≥ 80 mmHg

3. Tự đo tại nhà (đo nhiều lần)

≥ 135 mmHg

 

≥ 85 mmHg

 Để phòng chống nguy cơ tăng huyết áp, ngành y tế khuyến cáo

1.    Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình.
2.    Tăng cường ăn rau và trái cây

3.    Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày

4.    Tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày

5.    Không hút thuốc, hạn chế rượu bia

6.    Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt đối với người trên 40 tuổi. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình

7.    Người mắc tăng huyết áp nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

Kim Thoa